Làng lụa Vạn Phúc - Nơi lưu giữ tinh hoa vă hóa dân tộc

Từ lâu, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) đã là một làng nghề truyền thống nổi tiếng với hàng nghìn năm phát triển. Nhắc tới lụa Vạn Phúc, nhiều người nghĩ ngay tới một trong những biểu tượng văn hóa truyền thống không thể thiếu của người Hà Nội xưa và nay.

  • Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng: Cách đây khoảng 1200 năm, bà Lã Thị Nương, một người con gái Cao Bằng nổi tiếng đảm đang và có tay nghề dệt lụa khéo léo về làm dâu làng Vạn Phúc. Bà đã có công đem những bí quyết dệt lụa truyền dạy cho dân làng. Sau khi mất, bà được phong là thành hoàng làng.


    Lụa Vạn Phúc không giống với bất cứ loại lụa nào bởi chất liệu lụa mềm mại và độ tinh xảo trong từng đường tơ

    Khác với nhiều nơi, lụa tơ tằm Vạn Phúc không giống với bất cứ loại lụa nào bởi chất liệu lụa mềm mại và độ tinh xảo trong từng đường tơ, họa tiết trang trí. Đây không chỉ là sản vật quý của làng Vạn Phúc, mà còn là mặt hàng truyền thống của Việt Nam.
    Theo thời gian, lụa Vạn Phúc ngày càng trở nên bền đẹp. Đặc biệt, cái nét đẹp đắc sắc và độc đáo ấy chính là nhờ vào đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện, tinh đời của người dân làng Vạn Phúc.
    Trải qua bao thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn luôn giữ được những thủ pháp nghệ thuật truyền thống. Hoa văn bao giờ cũng trang trí đối xứng, đường nét trang trí không rườm rà, phức tạp mà luôn mềm mại, phóng khoáng, dứt khoát.
    Trong các loại lụa cổ truyền Vạn Phúc, nổi tiếng nhất có lẽ là lụa Vân Vạn Phúc, một loại lụa tưởng chừng như đã thất truyền nếu không có sự khôi phục của các nghệ nhân làng nghề.
    Hỏi thăm các nghệ nhân làng lụa lâu năm trong làng, chúng tôi được biết: Lụa Vạn Phúc từng được giới thiệu lần đầu ra thế giới tại Hội chợ Marseille vào năm 1931 và tại Paris năm 1938, được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của Đông Dương. Từ năm 1958 đến 1988, sản phẩm lụa Vạn Phúc hầu hết được xuất sang Đông Âu, tới năm 1990 xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới.
     


    Lụa Vạn Phúc đã vượt qua giá trị hàng hoá đơn thuần để trở thành sản phẩm văn hoá, biểu tượng của cái đẹp

    Ít năm gần đây, do khủng hoảng kinh tế thế giới, lượng hàng xuất khẩu có bị ảnh hưởng, song những người thợ thủ công vẫn duy trì nghề và tiếp tục sáng tạo những mẫu mã mới, mặt hàng mới để kích cầu.
    Hiện làng Vạn Phúc có gần 800 hộ dân làm nghề dệt, chiếm 60 % số hộ sinh sống tại làng nghề. Với hơn 1000 máy dệt, hàng ngày khoảng 400 lao động thời vụ từ quanh vùng đến đây. Mỗi năm làng nghề này sản xuất từ 2,5 đến 3 triệu m2 vải. Cửa hàng bán lụa tơ tằm mọc lên ngày càng nhiều, hình thành ba dãy phố lụa với đủ các chủng loại, mầu sắc vải vóc, quần áo, túi khăn, cavat tơ tằm…phục vụ khách trong nước và quốc tế.
    Có thể thấy, từ một sản phẩm của một làng nghề truyền thống, lụa Vạn Phúc đã vượt qua giá trị hàng hoá đơn thuần để trở thành sản phẩm văn hoá, biểu tượng của cái đẹp, của vùng đất Hà Đông nói riêng và quê hương Việt Nam nói chung.
    Và có lẽ, điều này dường như đã cắt nghĩa, tại sao giữa Sài Gòn hoa lệ, ồn ã trong thời kỳ chế độ cũ cuối thế kỷ trước, sắc áo lụa Hà Đông lại làm dịu mát những tâm hồn đang hướng về dân tộc:
    “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
    Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”
    (Trích bài thơ Áo lụa Hà Đông – thi sĩ Nguyên Sa)
    Theo báo Thương hiệu & Pháp luật

094 728 6668
zalo